Bộ Công Thương cũng đưa ra các phương án giá mua điện mặt trời mái nhà tự dùng dư thừa. Trong đó, bộ này đề xuất trước mắt tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới từ 600-700 đồng/kWh, cụ thể ở 671 đồng/kWh. Mức này thấp hơn nhiều so với giá mua các dự án điện tái tạo chuyển tiếp đang áp theo khung giá của Bộ Công Thương (1.587-1.816 đồng/kWh).

Sau khi Bộ Công Thương có đề xuất trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu bộ này nghiên cứu cơ chế bù - trừ hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua.

Tại báo cáo ngày 5/8, Bộ Công Thương đề xuất giá mua, bán điện dư phát lên lưới của năm hiện tại được áp dụng không vượt quá giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề, do các bên mua bán thỏa thuận theo quy định hiện hành. 

điện mặt trời thach thao 5 1 336.jpg
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vẫn còn nhiều vấn đề làm rõ. Ảnh: Thạch Thảo

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo quy định trên, giá điện năng thị trường bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng/kWh.

Nếu đề xuất trên được áp dụng, mức giá cho điện mặt trời mái nhà có thể thay đổi so với đề xuất trước đó, không cố định ở 671 đồng/kWh (theo EVN tính toán chi phí tránh được bình quân năm 2023).

Liên quan tới tỷ lệ lượng điện dư được bán lên lưới, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra hai phương án.

Phương án 1: Giữ nguyên như đề xuất trước đó. Có nghĩa là điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, nếu không dùng hết thì được bán lên lưới nhưng không quá 20% công suất tại miền Bắc và không quá 10% tại các khu vực còn lại (bao gồm cả khu vực Tây Nguyên). 

Phương án 2: Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, có quy mô công suất theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt nếu không dùng hết thì được bán lên hệ thống điện quốc gia, nhưng không quá 10% công suất lắp đặt thực tế, không chia theo vùng miền.

Với cả 2 phương án, EVN sẽ thanh toán cho phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia theo đúng tỷ lệ công suất được quy định.

Bộ Công Thương kiến nghị phương án 1 vì đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Lý do là phương án này có sự khuyến khích lắp đặt điện mặt trời tại miền Bắc, nơi có năng lượng bức xạ thấp nhất trong cả nước. Nhưng phương án này cũng tạo sự phân biệt giữa các vùng miền nên phương án 2 được bộ này đánh giá là phù hợp với tình hình hiện nay.

Hiện cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đạt hơn 9.500 MW. 

Bộ Công Thương khẳng định, với nguồn điện mặt trời mái nhà không đấu nối lên hệ thống điện quốc gia sẽ không giới hạn công suất. Nhà chức trách sẽ bổ sung quy định để đơn giản tối đa các thủ tục như miễn trừ giấy phép, giải quyết thủ tục đăng ký trong 7 ngày làm việc.

Với trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất lắp đặt trên 1MW và lựa chọn bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, dự thảo lần này cũng bổ sung quy định đơn vị điện lực sẽ nghiệm thu hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, hệ thống giám sát, điều khiển tại chỗ và kết nối thông tin với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển với cấp điều độ phân phối của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

Trường hợp công suất lắp đặt dưới 100 kW, hệ thống này phải kết nối thông tin với thu thập dữ liệu đo đếm từ xa của cơ quan điện lực. Nếu công suất trên 100 kW, hệ thống phải kết nối với cấp điều độ phân phối.